Sách Đại Nam thực lục (大南實錄), phần Chính biên (正編) Đệ tam kỷ (第三纪) quyển L (卷五十) có đoạn chép :
[1842] Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2. Mùa xuân, tháng 2.
Thuyền ngự do sông Đại Nại tiến phát, qua núi Hồng Lĩnh, vua triệu quan tỉnh là Vũ Đức Nhu, hỏi về thắng tích núi ấy. Nhu thưa rằng : “Núi này khởi đầu từ huyện Nghi Xuân, qua huyện Thiên Lộc, quanh co, liền lượt, gồm 99 ngọn. Tương truyền có đàn chim hạc đen đậu ở trên núi, cho nên đặt tên là Hồng Lĩnh, bên phía Nam Hương Tích. Tục truyền : Xưa con gái của Sở Trang vương rất mộ đạo Phật ở xa đến thăm cảnh chùa rồi ở tu và hóa tại đây. Trang vương theo tìm được, mới dựng đài ở phía Bắc chùa này, nay vẫn còn nền cũ, gọi là nền Trang vương”. Vua cười, nói : “Đó là câu chuyện hài hước của người Tề, nói sự quái lạ, truyền mãi không thể bỏ hết ! Hoặc giả có ý nghĩa gì khác cũng chưa biết chừng”.
Bình luận mới nhất