Khổng Tử không bao giờ nói những truyện quái dị thần kỳ, vì những truyện ấy mắt không trông thấy, mọi người sinh ra ngờ vực.
Nhưng thử nghĩ xem : Trong bốn bể, biết bao núi thẳm đầm to, thì những truyện quái dị thần kỳ, kể sao hết được ? Kìa như những chuyện Bá Hữu nước Trịnh khi chết hóa thành quỷ dữ, Hoàn Công nước Tề trông thấy yêu quái trong núi, ông bạc đầu ăn thịt con trai con gái ; không phải là truyện lạ hay sao ? Lại như hải khách với chim âu, Đinh Lệnh Uy cưỡi hạc, gió của Liệt Tử, bè của Trương Khiên ; không phải là truyện dị thường hay sao ? Nào nuốt trứng huyền điểu rồi sinh ra ông tổ nhà Thương, nào ướm chân vào vết chân lớn rồi sinh ra ông tổ nhà Chu, nào nằm mộng thấy đi lại với thần rồi sinh ra ông tổ nhà Hán ; những truyện ấy không phải là thần kỳ cả sao ?
Những truyện ta chép ra đây như “Hoa quốc kỳ duyên”, “Ngư gia chí dị”… đều là những truyện có kê cứu, không giống những loại truyện Tề Hài. Những người chấp nhất cho những truyện ấy là có sự việc mà không có lý, hoặc có lý mà không có sự việc. Đó chỉ là kiến thức của lũ người ngồi đáy giếng, không đủ bàn đến những sự vật trong bầu trời rộng lớn.
Nay tựa.
【Bài tựa sách “Thánh Tông di thảo”. Nguyễn Bích Ngô dịch】
Bình luận mới nhất