Đạo văn – Việc không thuộc riêng ai


Thực chất trong cuộc sống, có đôi khi người ta vô thức sao lại ý tưởng, bài viết, câu văn của một ai khác mà không hề biết. Tuy nhiên, cũng có một số người nuôi chó trong nhà chưa đủ, họ yêu chó đến nỗi nuôi chó trong tâm hồn và chẳng may làm sao lại xích con chó gần con chim sẻ be bé tên là Lương Tâm. Thế là một ngày âm u đầy mây nọ, Lương Tâm bị chó gặm. *chấm nước mắt* Nếu may mắn, Lương Tâm chỉ mới bị cạp phần cánh thì em nó vẫn còn cất giọng hót được. Nhưng ở một vài người đặc biệt quá yêu chó, nên họ thí mịa luôn con Lương Tâm cho con chó như thể những kẻ có mới nới cũ, họ thực hiện hành động đúng nghĩa là Quăng Lương Tâm cho chó gặm và thực hiện những hành vi đạo văn đê tiện chỉ để thu lợi cá nhân. Những nhân vật như vậy vốn dĩ không nhiều mà không ít, một vài người trong số họ thậm chí còn nổi tiếng trên toàn thế giới về những bê bối liên quan tới đạo văn.

Thành kỳ ý đạo văn, 2016 3

Từ trời Đông sang trời Tây, con chữ luôn biết nhảy. Ngược dòng lịch sử về khoảng tầm năm 2006, làng văn học Mỹ trở nên thổn thức bởi cuốn tiểu thuyết How Opal Mehta Got Kissed, Got Wild, and Got a Life của một sinh viên năm nhì tại đại học Harvard. Cuốn sách này liên tục đạt được nhiều thành công lớn khi nắm giữ vị trí 32 trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trong năm và hợp đồng chuyển thể phim ảnh béo bở. Thế nhưng ngay sau đó Kaavya Viswanathan, nữ văn sĩ trẻ triển vọng này phải đối mặt với những cáo buộc đạo văn bởi những đoạn trích tương đồng đến nguyên vẹn từ hai tác phẩm khác của nhà văn Megan McCafferty. Cái kết của cô gái này là hành động thu hồi toàn bộ ấn bản cuốn sách và tờ hợp đồng sáng tác bị xé bỏ từ nhà xuất bản Little Brown – nơi từng đặt hi vọng lớn ở tác giả trẻ này.

Nhưng thế giới dường như vẫn chưa thỏa mãn với bất ngờ đó, chỉ gần 10 năm sau một scandal đạo văn xuyên quốc gia lại được phát hiện mà tác giả thiếu lương tâm này có lẽ khá quen thuộc với độc giả tại Việt Nam qua cuốn sách được Nhã Nam phát hành : Shin Kyung-sook – tác giả của cuốn Hãy chăm sóc mẹ. Cụ thể, kể từ khi đạt giải thưởng danh giá Man Asian Literary Prize năm 2012 nhờ cuốn sách này, bà Shin (52 tuổi) đã bị phanh phui vụ việc sao chép nhiều đoạn văn trong truyện Chủ nghĩa ái quốc của nhà văn Yukoi Mishima với truyện ngắn Legend được xuất bản vào năm 1996 của mình. Trước áp lực dư luận, bà Shin đã phải cúi đầu nhận tội đạo văn vào trung tuần tháng 6 năm 2015 vừa qua.

Và có vẻ như bản tính của con người thường thích ăn sẵn, do vậy mới gây ra nhiều cớ sự dở khóc dở cười. Rúng động nhất trong thời gian gần đây, chỉ mới cách vài tháng trước khi cuộc bầu cửa tổng thống Mỹ vừa kết thúc, tân đệ nhất phu nhân Melania Trump bị cáo buộc đạo văn từ bài diễn văn của cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Bài diễn văn có nhiều đoạn trùng lặp gần như 100% giữa hai đệ nhất phu nhân khiến dư luận cảm thấy khó hiểu. Do vậy, mặc dù phía nhà Trump đã truy ra được sai phạm bắt nguồn từ một nữ nhân viên kỳ cựu trong gia đình họ nhưng vẫn còn nhiều giả thuyết đặt ra cho rằng Meredith McIver – người đã đứng ra nhận trách nhiệm chỉ là kẻ thế thân.

Hẳn là không muốn kém cạnh với những người nổi tiếng, đầu tết âm lịch năm 2016 vừa qua, “nữ văn sĩ trẻ” người Úc gốc Việt Lê Ngọc Linh xuất bản THÀNH KỲ Ý – cuốn tiểu thuyết thứ hai của cô dưới hình thức crownfunding và gây được nhiều sự chú ý bởi cách thức xuất bản, tranh minh họa và thể loại của nội dung. Dù đã âm ỉ kéo dài kể từ những tranh cãi xung quanh một số vấn đề liên quan tới nhân trắc học, cách tác giả sử dụng cụm từ “lọt vào mắt xanh” để giải thích cho hình minh họa… thì đúng vào ngày Tết âm lịch năm ngoái, một loạt các bằng chứng cho thấy Linh đã đạo văn hoàn toàn không sai đến một dấu chấm phẩy từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là phần bình giải của cuốn Tứ thư bình giải, và một số đoạn từ cuốn Đời sống cung đình triều Nguyễn, một số bài viết từ báo điện tử, nhiều chú thích rải rác trên mạng và thậm chí chú thích sai nhiều ngữ nghĩa Hán Việt. Đặc biệt, nhiều độc giả cảm thấy bị shock và xúc phạm bởi có một đoạn văn tả hoa mai trắng được Lê Ngọc Linh sao chép hoàn toàn từ một bài báo Xuân cũng trên mạng.

Căm phẫn nạn đạo văn từ cuốn tiểu thuyết mà “công ty” Comicola đặt nhiều hi vọng có thể mở đường thúc đẩy xuất bản tiểu thuyết theo hình thức crownfunding, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam liên tục lên án, yêu cầu sự giải trình từ Lê Ngọc Linh và equipe hỗ trợ Comicola. Tuy nhiên cho đến nay các độc giả chỉ nhận lại được lời xin lỗi mập mờ từ cô nàng quốc tịch Úc gốc Việt này và các bài viết liên quan tới vụ đạo văn đã bị xóa hoàn toàn trên fanpage THÀNH KỲ Ý của cô nàng cùng cả Comicola hòng lấp liếm đến cùng, chưa kể hành vi đem con cái ra làm vật che chắn búa rìu công luận.

Những vụ án đạo văn từ Đông sang Tây cho thấy thiên lý vốn dĩ vẫn còn thưa lắm, vậy thì liệu tất cả các biện pháp ngăn chặn đạo văn đều là vô ích ? Làm sao để có thể phòng chống nạn đạo văn được hiệu quả hơn ? Bài kế tiếp sẽ nói về vấn đề này rõ hơn vậy !

Nguyễn Tâm

Categories: ♥♥ Văn chương chí | Nhãn: | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.