Đôi nét về bộ sử ký cổ nhất của người Chăm


Kể từ khi bị triều Lê Thánh Tông đẩy xuống mạn Nam đèo Cù Mông, nhìn chung văn minh Champa đã bước đến thoái trào. Từ sơ khởi (thế kỷ II), Champa là liên minh của 5 tiểu quốc (đôi khi thêm vài sắc tộc Tây Nguyên) và được cai trị bởi một lãnh tụ có tôn hiệu Raja-di-raja (vua của các vua) hoặc Po-tana-raya (lãnh chúa của mọi lãnh địa). Sau cuộc Nam chinh của Lê đế, chỉ còn tiểu quốc Panduranga – vốn là xứ Chăm rộng rãi nhất nhưng cũng “cứng đầu” nhất. Cho đến khi tiêu vong (1832), Panduranga định đô ở Băl Canar, tức địa bàn thị trấn Phan Rí Cửa hiện nay. Nhưng trong mấy năm cuối thế kỷ XVII, chúa Nguyễn sai Thống chế Nguyễn Hữu Kiểng chinh phạt Panduranga để rộng đường Nam tiến, tuy nhiên nhà chúa đã chuốc lấy thất bại và phải trả quyền tự trị cho xứ này. Dẫu thế, từ đó Panduranga chỉ còn là phiên thuộc của họ Nguyễn, và sau là triều Nguyễn.

Sở dĩ phải lược dẫn vòng vo như vậy để các bạn hiểu cớ sao một bộ sử ký dày 5227 trang lại chứa đến 825 văn bản chữ Hán, và có ấn triện của các vua từ Lê Bảo Thái đến Nguyễn Tự Đức, bên cạnh Akhar Thrah (chữ viết cổ truyền của người Chăm), thậm chí phần Hán văn còn là cứ liệu để xác minh niên đại các đoạn ký (vì người Chăm dùng lịch 12 con giáp chứ không phải đế hiệu như người Việt). Tập tài liệu này được một người Pháp tên P. Villaume tìm thấy ở thôn La Vang của sắc tộc K’Ho, thuộc Lâm Đồng ngày nay. Trong các năm 1905 và 1907, hai học giả H. Parmentier và E. Durand đã viết các bài tường trình về văn bản này trên tập san của Viện Viễn Đông Pháp, nay nó được lưu trữ tại bảo tàng Société Asiatique de Paris và đã được số hóa hồi năm 2009.

Sakkarai dak rai patao

Tập tài liệu này được gọi chung chung là “Sakkarai dak rai patao”, “Archives royales du Champa” hoặc “Biên niên sử hoàng gia Chăm”. Nhưng thực ra nó là hợp tuyển những văn kiện hành chính, thuế, mua bán đất đai và cả hồ sơ kiện cáo, phần sử cũng có song không nhiều, cho nên có thể xếp vào dạng biên niên ký. Riêng phần sử, tiến sĩ Po Dharma chia làm hai thời kỳ tiền sử và chính sử, mốc là trước sau thế kỷ XII ; tuy nhiên, thời tiền sử hầu hết là hư cấu với những vua chúa hoặc sự kiện có cốt cách huyền huyễn, thời chính sử cũng có không ít tình tiết hoang đường, khá giống trường hợp “Đại Việt sử ký toàn thư”. Tựu trung, tuyển tập này là dẫn liệu vô cùng sinh động về cách hành văn của người Chăm thời trung đại, đồng thời cung cấp cái nhìn bao quát về muôn diện đời sống Chăm giai đoạn tự chủ cuối cùng. Thế nhưng, do được viết vào thời kỳ Panduranga, cho nên nội dung các văn bản chủ yếu đề cập đến xã hội xứ này, chưa kể chỉ phản ánh góc nhìn của người Panduranga về lịch sử quốc gia Champa, vì thế chỉ nên coi là bộ biên niên ký của triều đình Panduranga mà thôi. Bằng giác độ kẻ nghiệp dư, ít thấu hiểu đời sống Chăm, nhất là thời cổ, chúng tôi chỉ mong góp được cho các bạn yêu mến văn hóa – lịch sử Champa một tài liệu độc đáo, có phẩm chất tốt. Và chúng ta có thể thở phào nhận ra rằng, cũng như số phận An Nam, dù qua dâu bể thì căn bản nay vẫn hình dung được bối cảnh Champa trong ít nhất một ngàn năm đổ lại.

http://dev.champaka.info/images/acha.%20133.pdf

http://www.persee.fr/doc/befeo_0336-1519_1905_num_5_1_2631

https://chamstudies.files.wordpress.com/2015/09/gioi-thieu-tai-lieu-hoang-gia.pdf

http://www.champaka.info/index.php?option=com_content&view=article&id=699:datlai&catid=34:lichsu&Itemid=28

http://www.tinparis.net/thoisu13/NhandinhveBaiViet_PoDharma.pdf

Sơn Nam Tử

Categories: ❀ VĂN SỬ | Nhãn: | Bình luận về bài viết này

Điều hướng bài viết

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.