Posts Tagged With: Lê Vinh Huy

Phép tắm gội đời xưa


Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép câu truyện khiến người ta đọc tới phải chưng hửng, đó là tích Trần Quốc Tuấn tắm giùm Trần Quang Khải. Tích này thường được cho là thể hiện tình đoàn kết của triều Trần, nhưng ngoắt ngoéo ở chỗ người chép sử không lý giải được ý nghĩa việc “tắm cho” này, khiến đời sau thấy vô duyên lãng xẹt. Đoạn ấy như vầy :

Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải : “Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”. Rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói : “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Quang Khải cũng nói : “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”. Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu (Bản kỷ – Anh Tông hoàng đế).

Sử sách An Nam chuyên đặc tả những gương lẫm liệt hào hùng và gạt bỏ chi tiết đời thường, nên nay thật khó biết vua tôi đời Trần tắm giặt thế nào, chỉ có thể tham khảo những biên chép từ Trung Hoa để tìm hiểu, hầu lý giải vụ “tắm cho” này.

Phần đông loài người chỉ mới tập thành thói quen tắm rửa khoảng gần 200 năm nay. Trước đó, người ta vẫn xem việc vài tháng không tắm là sự thường. Ở châu Âu, vào thế kỷ IV, hình thức tắm táp còn là để tra tấn tội phạm. Tới thế kỷ XVII, người châu Âu vẫn xa lạ với việc vệ sinh thân thể ; ở Tàu thì có khác. Các giáp cốt văn thời đại Ân Thương hơn 3000 năm trước đã biên chép về việc tắm gội (mộc dục / 沐浴). Sách Chu lễ soạn thời Tiên Tần bắt đầu chế định tắm gội là nghi thức bắt buộc của vua quan mỗi khi muốn tham gia tế lễ cúng bái, kèm theo đó là những quy định cụ thể về cách bài trí và vật dụng cần có của phòng tắm trong vương thất.

Năm 334, Võ đế nhà Hậu Triệu là Thạch Hổ cho dựng chỗ tắm riêng gọi “Long ôn trì” [1], đó là “phòng tắm tư nhân” quy mô xuất hiện sớm nhất ở Trung Hoa. Đến Nam Bắc triều, Giản Văn đế nhà Lương là Tiêu Cương (503 – 551) đích thân soạn công trình nghiên cứu phép dưỡng sinh, lấy việc tắm gội làm chính, là Mộc dục kinh (3 quyển). Sang đời Đường, kiến trúc hoàng cung phủ đệ đã dành hẳn chỗ tắm táp riêng; hiện trong Thanh Hoa cung, một trong “tứ đại danh viên” [2], vẫn còn “Thanh Hoa trì” là chỗ để hoàng đế và hậu phi tắm gội. Đời Tống, do thương nghiệp phồn thịnh, đã có hình thức kinh doanh nhà tắm công cộng. Trong Năng cải trai mạn lục (能改齋漫錄) do danh sĩ Nam Tống là Ngô Tăng soạn năm 1162 còn cho biết các chủ nhà tắm đã biết dùng chiêu ưu đãi khách quen đặng giữ mối lâu dài. Không chỉ thế, còn xuất hiện thêm dịch vụ kỳ lưng cho khách tắm, như trong bài từ Như mộng lệnh của Tô Đông Pha (1037 – 1101) ghi nhận [3]. Từ đầu thế kỷ XVI trở đi, hệ thống nhà tắm công cộng phổ biến khắp Tàu, tỉnh thành nào cũng có [4].

Theo định chế từ đời Tần, việc tắm táp không chỉ là vệ sinh thuộc cá nhân, mà còn là nghi thức bắt buộc đối với bá quan, cả trung ương xuống phủ huyện. Cách ba ngày phải gội đầu (gọi là “mộc”), cách năm ngày phải tắm toàn thân (gọi là “dục”). Vì thế, đời Hán có lệ cứ cách năm ngày lại cho các quan được nghỉ một ngày tắm táp, ngày nghỉ đó gọi “hưu mộc” (休沐 / Nghỉ phép để tắm gội). Trước khi yết kiến hoàng đế, quan viên vào chầu chín bệ cũng như cung phi được chọn hầu ngự tẩm đều bắt buộc phải qua nghi thức tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục tinh tươm, bằng không sẽ phạm tội khi quân.

Việc tắm rửa do đó thành quy phạm cho cả dân gian. Sách Lễ ký, thiên “Nội tắc” quy định dân chúng cách năm ngày phải dậy sớm để tắm rửa thay y phục ; trong nhà lại phải có phòng tắm riêng cho nam nữ, vợ chồng không được tắm chung. Khi cha mẹ già yếu, con cái có bổn phận mỗi sáng phải giúp rửa mặt rửa tay, mỗi tối rửa chân, cách ba ngày giúp gội đầu, năm ngày giúp tắm gội cho cha mẹ. Cả hòa thượng, đạo sĩ cũng không ngoại lệ, bắt buộc phải tắm rửa theo đúng nghi thức, gọi là lễ “tịnh thân” trước khi làm pháp sự.

Trong phòng tắm của Trung Hoa thời xưa có đặt thùng gỗ to đủ ngâm nguyên người để tắm, đúng như Cổ Long đã tả cảnh Phong Tứ Nương tắm trong quán trọ ở đoạn mở đầu bộ kiếm hiệp Tiêu Thập Nhất lang. Ngoài ra, trong phòng còn có lò nấu nước, có ngăn để hương liệu, và cả nhà xí riêng.

Người Tàu xưa tắm cũng hệt như người thời nay, không chỉ dội nước ngâm suông mà tẩm đủ thứ hương liệu giúp thân thể thơm tho. Từ đời Đường, người ta đã tạo ra xà-phòng từ đậu nành và cho tinh dầu, thảo dược dưỡng da vào chậu tắm. Sang đời Tống, lại phát hiện ra trái bả đậu có hoạt chất giúp tẩy rửa, nên đã có kỹ nghệ bào chế xà-phòng cục từ đậu nành và bả đậu để cung ứng nhu cầu vệ sinh. Cái bàn chải kỳ lưng cũng là được chế tạo vào thời này.

❀ ❀ ❀ ❀ ❀

Trở lại với câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết : Tại sao Toàn thư lại chép truyện tắm này ? Dụng ý muốn nói gì ? Việc đó có thật đáng tin không ?

◆ Nhà Trần vốn gốc Phúc Kiến bên Tàu, lại xuất thân từ nghề chài lưới nên lệ tắm rửa vệ sinh theo Tàu hẳn là phải có. Việc khó thể xảy ra là Trần Quang Khải, một Thượng tướng Thái sư lại lười tắm thì sao có thể làm gương cho bá quan những lúc nghị triều ? Việc không tắm này là tội khi quân thời đó, nên nếu có cũng phải giữ kín, có đâu để đồn ra khiến thiên hạ đều hay ?

◆ Lại nữa, nếu nói trước đó hai bên có hiềm khích thì sao lại có truyện Khải đến chơi với Tuấn cả ngày ? Trần Quang Khải nắm thực quyền trong tay, chỉ dưới mỗi vua Trần, e là không phải lo sợ gì một hoàng thân thất thế, suốt đời không một lần được tin tưởng giao quyền hành như Trần Quốc Tuấn [5]. Mối “hiềm khích” đó nếu có, cũng chỉ có thể ở phía Tuấn mà thôi, nên ông này mới phải cầu cạnh, hạ mình để xin được làm cái việc “tắm giùm”, vốn chỉ là phụng sự của đầy tớ đối với chủ, con cái với cha mẹ như vậy.

Đoạn văn nói trên của Toàn thư đầy mâu thuẫn, khiến ngay cả những ai sau này trích dẫn để chứng minh tình đoàn kết trong gia tộc Trần đều lúng túng, không sao giải thích thỏa đáng. Vậy nó từ đâu mà có ?

Nếu để ý sẽ thấy việc lười tắm của thái sư đầu triều Trần khá giống vụ tể tướng đầu triều Tống, Vương An Thạch. Truyện kể rằng : Vương An Thạch (1021 – 1086) vốn sợ nước, thường khi nửa năm không tắm giặt, cũng không thay quần áo. Hai người bạn thân là Ngô Sung [6] và Hàn Duy [7] thấy vậy bèn ép rủ Thạch đi nhà tắm công cộng, thuê người kỳ cọ, tẩm nước thơm cho. Từ đó, Thạch mới thường xuyên cùng hẹn bạn đi tắm. Và Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên đã cải biên một giai thoại của Trung Hoa thành chính sử của An Nam như vậy đó. Ta nói, Bắc Việt đã có tập tính bắt chước giả làm Tàu từ trong máu, thiệt xui mà !

~~~~~~~~~~~~

[1] Sở dĩ có tên “Long ôn trì” (龍温池) là vì khi vua tắm, nội thị thả những con rồng bằng rồng bằng đồng được nung đỏ xuống hồ để giữ cho nước ấm.

[2] Tứ đại danh viên, tức Di Hòa viên ở Bắc Kinh, “Ti thử sơn trang” ở hạt Thừa Đức tỉnh Hà Bắc, Chuyết Chính viên và Lưu viên ở Tô Châu tỉnh Giang Tô. Đây là 4 khu thượng uyển của vua chúa các đời, nay đều là địa điểm du lịch nổi tiếng.

[3] Ký từ sát bối nhân, trú dạ lao quân huy trửu (寄詞擦背人, 晝夜勞君揮肘 / Hầu kỳ lưng cho khách, ngày đêm nhọc nhằn mỏi khuỷu tay).

[4] Nếu ngày nay, người An Nam có tập quán xin chữ ký quota trong quán nhậu thì bọn Tàu kinh doanh thuở trước cũng có thói quen bàn bạc việc kinh doanh trong ngăn riêng ở nhà tắm công cộng. Hễ khách xa đến thì theo lễ phép, phải mời khách đi tắm trước đã, đó chính là nguyên nghĩa của từ “tẩy trần” (tẩy rửa bụi bặm đường xa).

[5] Về chức “Quốc công Tiết chế” hữu danh vô thực của Tuấn, xin xem thêm ở đây : Bi kịch Trần Quốc Tuấn.

[6] Ngô Sung (1021 – 1080), tự Trọng Khanh, quê Phúc Kiến. 18 tuổi thi đậu Tiến sĩ, là đại thần của Bắc Tống, làm quan đến Kiểm hiệu Thái phó Khu mật sứ.

[7] Hàn Duy (1017 – 1098), tự Trì Quốc, người Hà Nam. Cháu ngoại Vương Đán (Tể tướng trào Tống Chân Tông). Là một danh sĩ phong lưu, quan đến chức Môn hạ Thị lang.

Lê Vinh Huy

Categories: ❀ VĂN SỬ | Nhãn: , | Bình luận về bài viết này

Họ Hồng Bàng từ đâu chui ra ?


Như đã nói, họ Hồng Bàng là thứ âm binh ôn dịch do Ngô Sĩ Liên mới đưa vào Toàn thư hồi cuối thế kỷ XV, nhằm tìm một ông tổ chánh gốc Tàu cho Giao Chỉ (Bắc Việt) [1]. Và gốc cái “Kỷ Hồng Bàng thị” trong Toàn thư kia cũng không ở đâu xa, là chính ở công sưu tầm truyện quái đản truyền kỳ của bậc túc nho kia thôi : Nghĩa là mót từ Lĩnh Nam Chích Quái.

Như tên sách, “chích” 摭 nghĩa là nhón lấy, nhặt lấy. “Lĩnh Nam chích quái” 嶺南摭怪 là tuyển tập sưu tầm những truyện kỳ quái ở đất Lĩnh Nam. Từ “Lĩnh Nam” vốn có hai nghĩa. Ở nghĩa rộng, nó là vùng đất mênh mông bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồ Nam, Giang Tây, và cái thẻo đất lủng lẳng trong kẹt háng của Trung Hoa, mà sau này sẽ thành Giao Chỉ tức Bắc Việt. Theo nghĩa hẹp thì Lĩnh Nam dùng để chỉ khu vực phía nam của dãy Ngũ lĩnh. Lĩnh Nam còn gọi “Lĩnh ngoại”, “Lĩnh biểu” (chữ biểu 表 đồng nghĩa với ngoại 外, cùng là “bên ngoài”). Điều lạ thường là ở Giao Chỉ, từ “Lĩnh Nam” lại có nghĩa mặc định là đất đai vốn có tự cao tằng tổ khảo của dòng giống Lạc Việt, bất chấp thực tế địa lý lưu vực sông Hồng cách dãy Ngũ lĩnh vạn dặm, vậy mới cà tưng, he-he !

Và các học giả An Nam sẽ luôn hiểu từ “Lĩnh Nam” của tựa sách Lĩnh Nam Chích Quái theo cái nghĩa đặc dị đó, bất chấp luôn những truyền kỳ chép trong đó phần lớn là cóp nhặt của các tộc khác [2]. Bộ Lĩnh Nam Chích Quái được hình thành cùng một kiểu như bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, nghĩa là các đời sau cứ lôi bản đời trước ra để chỉnh lý theo ý mình. Cõi An Nam văn vật từ xưa vốn chẳng có chút khái niệm nào về tác quyền, vậy nên tác phẩm văn hiến truyền đến đời sau thì thành một đám hỗn độn, chẳng thể phân biệt đoạn nào của ai, viết vào thời nào nữa.

Soạn giả ban đầu được cho là Trần Thế Pháp, một “danh sĩ” đời Trần, nhưng chẳng ai biết tiểu sử ông, thậm chí mù mịt cả năm sinh năm mất. Chỉ thấy trong “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn có ghi Lĩnh Nam chích quái là do Pháp soạn. Đến 1492 (niên hiệu Hồng Đức 23), Vũ Quỳnh nhuận chính, thậm chí chả hề đả động tới tên tuổi người soạn ban đầu. Rồi 1679, có người tên Nguyễn Nam Kim đưa thêm vào 4 truyện. Năm 1749, Vũ Đình Quyền phụng chỉ Lê Duy Diêu (sau khi băng, được tôn miếu hiệu Lê Hiển tông) soạn thêm 2 truyện. 1757, Vũ Khâm Lân lại soạn thêm đưa vào, không rõ nhiêu truyện. Sang đời Mạc, lại có Đoàn Vĩnh Phúc tham gia bổ sung truyền kỳ cho “Lĩnh Nam”. Tổng cộng, sách có 45 truyện, nhưng may thay, đến nay chỉ còn 22 truyện. Và truyện đầu tiên chính là truyện viết về họ Hồng Bàng.

Ngoại kỷ Toàn thư kể về Kinh Dương vương chính là cải biên từ tiểu thuyết thần kỳ “Liễu Nghị truyện” của Lý Triều Uy nhà Đường. Và hơn thế nữa, phần Kỷ mở đầu cho quốc sử An Nam đó lại được thực hiện bằng thao tác copy+paste. Thử so sánh, đây là Kỷ Hồng Bàng thị trong Toàn thư : “Kinh Dương vương. Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. (…) Xưa cháu ba đời của Viêm đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long quân (Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi)” [3].

Và đây là đoạn mở đầu truyện họ Hồng Bàng của Lĩnh Nam Chích Quái : “Đế Minh cháu ba đời Viêm đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long nữ là con gái Long vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương vương không biết đi đâu mất” [4].

Dùng chuyện hoang đường làm chính sử, Ngô Sĩ Liên chẳng những có công tạo dựng tổ tiên cho nòi Hồng Lạc, mà còn làm điên đảo các học giả An Nam đời sau. Họ lũ lượt nhau vin vào cái nguồn cội hồ Động Đình, sự trùng hợp đồng âm giữa họ Hùng 熊 (con gấu) của các vua nước Sở với chữ Hùng 雄 (con chim trống, aka biết đạp mái) của Hùng vương. Kèm theo đó là cách gọi con gái vua Sở là Mị y hệt như Mỵ nương của An Nam. Từ đó hàng đống sách vở lý thuyết được đặt ra để nhận An Nam là giống hoàng gia của Sở, chắc cũng oai phong lắm, ngang hàng Hạng Tịch. Ít ai chịu dò lại gốc của họ Hồng Bàng kia là từ tiểu thuyết xà thần ngưu quỷ chui ra để nhận ra mình đặt giả thuyết trên nền tảng của một cú lừa ngoạn mục.

~~~~~~~~~~~~

[1] Quốc sử An Nam (kỳ 1)

[2] Đây là sự sao chép, không phải dị bản cổ tích. Sẽ lần lượt điểm các truyện trong Lĩnh Nam chích quái để đối chiếu và chứng minh.

[3] Nguyên văn : 涇陽王 諱祿續,神農氏之後也。炎帝神農氏三世孫帝明,生帝宜。既而南巡至五嶺,接得婺僊女,生王。王聖智聰明,帝明奇之,欲使嗣位。王固讓其兄,不敢奉命。帝明於是立帝宜為嗣,治北北,封王為涇陽王,治南方,號赤鬼國。王娶洞庭君女,曰神龍,生貉龍君〈按《唐紀》,涇陽時有牧羊婦,自謂洞庭君少女。嫁涇川次子,被黜。寄書與柳毅,奏洞庭君。則涇川、洞庭世為婚姻,有自來矣〉。

[4] Nguyên văn : 炎帝神農氏三世孫帝明,生帝宜,南巡狩至五嶺,得婺仙之女,納而歸。生祿續,容貌端正,聰明夙成。帝明奇之,使嗣位。祿續固辭,讓其兄。乃立宜為嗣,以治此〔北〕地。封祿續為涇陽王,以治南方,號為赤鬼國。涇陽王能行水府(一作入水),娶洞庭君龍王女,生崇纜,號為貉龍君,代治其國。涇陽王不知所之。

Lê Vinh Huy

Categories: ❀ VĂN SỬ | Nhãn: | Bình luận về bài viết này

Quốc sử An Nam (kỳ 1)


Như mặt trăng tách ra từ trái đất, thành hành tinh của địa cầu, An Nam (Bắc Việt) từ khi tách khỏi mẫu quốc Trung Hoa chưa bao giờ thoát khỏi ảnh hưởng của Tàu. Không phải chỉ người các nước khác, mà suốt ngàn năm nay, ngay chính Bắc Việt vẫn luôn tự nhận mình là “tiểu Trung Hoa”. Nguồn cơn ấy, có đọc Đại Việt sử ký toàn thư ta mới cảm thông phần nào tâm trạng các triều đại An Nam : Nỗi khắc khoải của đứa con bỏ nhà ra đi vì tưởng mình bị ruồng bỏ.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH BỘ QUỐC SỬ

An Nam bắt đầu có quốc sử vào triều Trần, khoảng hậu bán thế kỷ XIII.
Trần Hoảng (Trần Thánh tông), thời gian tại vị (1258-1279) đã có nhiều nỗ lực củng cố và phát triển bộ máy nhà nước (tất nhiên là theo khuôn mẫu Trung Hoa). Ngoài các Thượng thư sảnh tương đương Lục bộ, có nhiều cơ quan mới được thành lập: Ngự sử đài có trách nhiệm giám sát công việc triều chính, Hàn lâm viện lo giấy tờ, Quốc tử giám chăm nom giáo dục cho các con quan, Thái y viện chăm sóc sức khỏe hoàng tộc, và Quốc sử viện để biên soạn lịch sử.
Đầu năm Nhâm Thân [niên hiệu Thiệu Long 15 (1272)]: “Mùa Xuân, tháng giêng, Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu[1] Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt Sử Ký, từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi” (theo Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ 5 – Thánh tông hoàng đế, tờ 33a-b).
Từ đó, bộ quốc sử này thành căn cốt của lịch sử An Nam (tức Bắc kỳ). Suốt 250 năm tiếp theo, các đời “sử gia” sẽ lần lượt chỉnh sửa nó theo ý vua mình, đời sau lại tô trát thêm vôi vữa lên, cho thành dung mạo 4.000 năm văn hiến An Nam.
Bộ Đại Việt Sử Ký (1272) triều Trần được bắt đầu bởi Triệu Đà và kết thúc vào lúc Lý Chiêu hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Suốt thời gian dài hơn 180 năm, nó cứ thế nằm im, ít ai biết đến. Thế rồi đến triều Lê thì các vì vua tỏ ra đặc biệt hứng thú với lịch sử, bắt đầu tìm cách đóng dấu ấn của mình lên đó. Vào 1455, Lê Bang Cơ (Nhân tông) sai Phan Phu Tiên lôi bộ sử ra, chép thêm giai đoạn từ Trần Thái tông cho đến khi quân Minh rút về nước. Lúc này (1455), bộ quốc sử vẫn mang tên Đại Việt Sử Ký.
Một phần tư thế kỷ sau, năm 1479, Lê Hạo (Lê Thánh tôn) sai Ngô Sĩ Liên chỉnh lý lần nữa. Đến đây, bộ sử có thêm họ Hồng Bàng với 18 đời Hùng vương, đổi tên thành Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (gọi tắt là Toàn thư).
30 năm sau, vào 1511, đến phiên Lê Trừu (Tương Dực đế) sai Vũ Quỳnh tiếp tục chỉnh lý, và đổi tên thành Đại Việt Thông Giám Thông Khảo (gọi tắt Thông giám).
Rồi 150 năm sau nữa, Duy Vũ (Lê Huyền tông) lại sai Phạm Công Trứ tiếp tục công trình chỉnh lý, chép thêm việc nước trong 13 năm (1663-1675) của triều đại mình vào, và gọi đó là Đại Việt Sử Ký Tục Biên. Đây cũng là lần tu sửa cuối cùng; bởi sau đó, nhà Nguyễn sẽ cho soạn bộ quốc sử riêng của mình, không chung đụng với lịch sử bọn Bắc kỳ[2].

SỰ “THẤT LẠC” CỦA QUỐC SỬ

Về tăm tích bộ quốc sử đầu tiên Đại Việt Sử Ký, các sử gia An Nam thường dẫn Văn Tịch Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú để đổ thừa rằng sách bị nhà Minh cướp mang về Tàu.
Điểm qua danh mục các sách được cho là bị Minh cướp đi[3], ta thấy số lượng sách quả là ít ỏi, mỗi đầu sách chỉ có 1 bản. Ở An Nam, nghề in khắc mộc bản đã xuất hiện từ cuối triều Lý, nhưng sách của hoàng thất được kể là bí mật quốc gia, không phổ biến ra ngoài, nên chỉ được lưu trữ một, hai bản chép tay, và cất kỹ trong bí các. Thành thử trách người một phải trách ta mười: là do bọn vua chúa muốn giữ sách vở làm của riêng nên mới phải dễ dàng cụt vốn đến vậy.
Nhưng điều đáng lưu ý là số phận bộ Đại Việt sử ký, có thật nó bị Minh cướp đi hay không? Nếu vậy, tại sao các bộ sử sau đó vẫn chép lại được những lời bình của Lê Văn Hưu? Câu trả lời nằm ở cung cách “biên soạn” quốc sử của An Nam: cứ đời sau “chỉnh lý” đời trước, chỉnh lý xong thì lấy bộ sử của mình làm chuẩn mực, bộ của tiền triều mặc nhiên bị mất đi tính chính thống đã có trước đó. Đại Việt Sử Ký sở dĩ thất truyền chính vì lẽ đó, giặc Minh chỉ là cái cớ các sử gia An Nam mượn để vu vạ mà thôi.

SỰ GIÃN NỞ CỦA LỊCH SỬ AN NAM

Vũ trụ giãn nở làm sao thì lịch sử An Nam giản nở y chang vậy. Ban đầu, Lê Văn Hưu lấy Triệu Đà làm mốc khởi điểm cho lịch sử Đại Việt đã là sự bắt quàng lố bịch, cốt để cho nước mình có hơi hướm của Tàu[4]. Đến Ngô Sĩ Liên thì mốc thời gian đó được đẩy lùi thêm 26 thế kỷ, để được tự xưng văn hiến Nam bang cũng ngang ngửa với thiên triều, ít ra cũng ở cái tuổi.
Trong những câu chuyện thần thoại quả có phần nào mang trong đó ký ức của dân tộc, nhưng với những thần thoại của An Nam thì phải cảnh giác: chúng thường vay mượn từ các điển cố thư tịch Trung Hoa. Ngay mấy dòng đầu bộ Toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã bê nguyên cốt chuyện của tiểu thuyết Tàu để xây dựng hình tượng thủy tổ tộc An Nam:
“Kinh Dương vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. (…) Vua lấy con gái Động Đình quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long quân (Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi)” (Toàn thư, Ngoại kỷ, q.1, Hồng Bàng thị, t.1b).
Câu chuyện Lộc Tục lấy con gái Hà bá hồ Động Đình đó chính là chuyển thể từ “Liễu Nghị truyện” của Lý Triều Uy, một nhà văn đời Đường (776-820)[5].
Vậy là bắt đầu từ cuối thế kỷ XV, tộc An Nam đã sinh thành tổ tiên cho mình. Công tạo hóa huyền cơ ấy là của Ngô Sĩ Liên, ông đã khéo chế biến cuốn tiểu thuyết của Tàu để cho ra một ông tổ Bắc Việt cưới vợ khác loài, đẻ được trăm trứng, từ đó tăng thêm ý vị đậm đà cho hai chữ “đồng bào” của dòng giống Rồng Tiên xàm xí mứng.
Đương thời, trong tác phẩm “Việt sử tiêu án”, Ngô Thì Sĩ từng công kích ông sử gia cùng họ về việc tiểu thuyết hóa lịch sử này. Sinh thời, nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường cũng liên tục phê phán việc nhận quốc tổ cà chớn: “Cái nguồn gốc xưa cũ 4.000 năm đó là của các ông nhà nho chắp nối mớ sách vở các ông đọc được với phần nghe ngóng về cái đền Hùng vương ở xứ sở các ông, đem lập ra một tông phả không kể gì đến sự bình thường của luận lý, quên cả sự nhờ cậy để đến ngày nay người ta mỉa mai là bám víu trèo cao. Nhưng đó cũng được coi là sự bình thường của lịch sử, nên Ngô Sĩ Liên đưa vào quyển quốc sử, trở thành chân lý của muôn đời”[6]. Thậm chí trong diễn từ nhận giải Phan Châu Trinh năm 2014, ông cho cái Quốc hội đã quyết định lấy mùng 10 tháng Ba âm lịch làm ngày nghỉ lễ[7] là ngu dốt.
Xén tiền của doanh nghiệp để trao tặng cho người lao động toàn quốc thêm một ngày nghỉ lễ, đó là công nghiệp vĩ đại và có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của ngài Nguyễn Phú Trọng. Mà thật ra, bọn cầm quyền có ngu đâu mà tin ở cái thứ tổ tiên tào lao bí đao đó, chẳng qua hình tượng 18 vua Hùng đối với họ có ý nghĩa cực trọng – đó chẳng phải là một tập thể cùng được làm vua đó sao?

~~~~~~~~~~~~

[1] Giám tu 監脩: chức quan tạm thời, được đặt ra để giám sát quá trình thực hiện một hạng mục công trình nào đó cho đến khi công trình nó hoàn thành. Ở đây, Lê Văn Hưu là Học sĩ của viện Hàn lâm được kiêm cử làm chủ biên bộ quốc sử, khi biên xong bộ đó cũng là lúc chấm dứt nhiệm vụ. “Giám tu” không phải chức vụ đứng đầu Quốc sử viện như các “sử gia” An Nam sau này giải thích.
[2] Tức bộ Đại Nam Thực Lục do Quốc sử quán thời Minh Mạng và Thiệu Trị biên soạn trong gần 90 năm (1821-1909), chép các sự kiện từ 9 đời chúa Nguyễn cho đến đời vua Khải Định (từ 1558-1925). Bộ này gọi tắt là “Thực lục”; bởi triều Nguyễn được Bắc Việt đánh giá là “ngụy triều”, nên Thực lục cũng không được các sử gia Bắc Việt quan tâm.
[3] Theo Văn tịch chí, các sách quý hiếm của An Nam bị Minh cuỗm về Tàu làm của báu gồm:
– Lý Thái tông: Hình thư, 3 quyển
– Trần Thái tông: Quốc triều thông lễ, 10 quyển. Hình luật, 1 quyển. Kiến trung thường lễ, 1 quyển. Khóa hư tập, 1 quyển. Ngự thi, 1 quyển.
– Trần Thánh tông: Di hậu lục, 2 quyển. Cơ cừu lục, 1 quyển. Ngự thi, 1 quyển.
– Trần Dụ tông: Trần Triều đại điển, 2 quyển.
– Trần Nhân tông: Trung Hưng thực lục, 1 quyển. Thi tập, 1 quyển.
– Trần Minh tông: Thi tập, 1 quyển.
– Trần Anh tông: Thủy vân tùy bút, 2 quyển.
– Trần Nghệ tông: Bảo Hòa điện dư bút, 8 quyển. Thi tập, 1 quyển.
– Trần Quốc Tuấn: Vạn Kiếp bí truyền, 1 quyển. Binh thư yếu lược, 1 quyển.
– Chu Văn An: Tứ thư thuyết ước, 1 bộ. Tiều Ẩn thi, 1 tập.
– Trần Quốc Toại: Sầm lâu tập, 1 quyển.
– Trần Quang Khải: Lạc Đạo tập, 1 quyển.
– Trần Nguyên Đán: Băng Hồ thác tập, 1 quyển.
– Nguyễn Trung Ngạn: Giới Hiên thi tập, 1 quyển.
– Phạm Sư Mạnh: Hiệp thạch tập, 1 quyển.
– Trần Nguyên Đào: Cúc Đường di cảo, 2 quyển.
– Hồ Tông Thốc: Thảo nhàn hiên tần, 1 quyển. Việt Nam thế chí, 1 bộ. Việt sử cương mục, 1 bộ.
– Lê Văn Hưu: ĐẠI VIỆT SỬ KÝ, 1 bộ (Lịch triều hiến chương loại chí ghi “Đại Việt sử ký, 1 quyển”; Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ghi “Đại Việt sử ký 30 quyển”. Do bộ sử gồm 30 quyển, nên ở đây gọi là 1 bộ).
– Nguyễn Phi Khanh: Nhị Khê thi tập, 1 quyển.
– Hàn Thuyên: Phi sa tập, 1 quyển.
– Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh tập, 1 quyển.
[4] Về Triệu Đà, sẽ bàn ở bài viết khác.
[5] Tóm tắt “Liễu Nghị truyện”: Liễu Nghị đi thi bị trượt, trên đường về thì gặp một thiếu phụ xinh đẹp. Nàng ta cho biết mình là con gái của Long vương cai quản hồ Động Đình, đã thành thân với con trai của Kinh Xuyên, nhưng bị chồng bạc đãi, bắt phải chăn dê. Cô Long nữ này nhờ Liễu Nghị báo dùm cha mình, để tố cáo hoàn cảnh khốn khổ đang phải chịu. Liễu Nghị bèn giúp đưa thư tới thủy phủ Động Đình. Nhà Hà bá nổi giận, giết con rể. Sau, Liễu Nghị cưới nàng Long nữ ấy. Hai vợ chồng đều thành tiên.
Câu chuyện Liễu Nghị lấy vợ này được các kịch tác gia đời Tống soạn thành tuồng, rất được người xem tán thưởng. nhờ đó, nó lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
[6] “Để vào đâu?” bài viết cuối cùng của Tạ Chí Đại Trường.
[7] Ngày 02/4/2007, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng ký sửa đổi bổ sung Điều 73 Luật lao động, cho người lao động thêm được 1 ngày nghỉ làm việc hưởng nguyên lương vào “giỗ tổ” mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Lê Vinh Huy

Categories: ❀ VĂN SỬ | Nhãn: | 1 bình luận

Bi kịch Trần Quốc Tuấn


Trên trang hải ngoại nọ, có câu đối độc đáo, không đề tên tác giả : 地轉我越種居北方,歐洲境內無蒙騎樅橫千萬里 (Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý / Đất Việt mà dời sang phương Bắc, cõi Âu châu đã không có kỵ binh Mông Cổ tung hoành vạn dặm) ; 天生此良材於宋室,中國史前免元朝都護一百年 (Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách niên / Trời sinh tài lành này vào nhà Tống, lịch sử Trung Hoa trước đây đã khỏi phải quân Nguyên đô hộ cả trăm năm).

Câu đối không nêu tên nhân vật, nhưng nghe qua ai cũng đoán được, chính là vịnh Trần Quốc Tuấn, tức Hưng Đạo đại vương. Theo đó mà suy thì dân tộc ta thật may mắn mới sản sinh được bậc thần tướng lỗi lạc dường ấy, nhưng ấy cũng là vận rủi cho đại vương vì phải thác sinh vào đất nước này; giá sinh ra ở Tây Tàu, hẳn công nghiệp ngài còn rạng rỡ không biết ngần nào. Thế kỷ XXI, Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu… danh tướng rồi chăng?

Những lời ca ngợi Thánh Trần thật đã tràn lan xích đạo. Nếu ví Hưng Đạo vương như con rồng thần, thì mây vờn ngũ sắc huyền ảo che phủ mình rồng còn dày hơn cả vảy thực của rồng. 700 năm qua là hơn 30 thế hệ, hết lớp này đến lớp khác liên tục thay nhau vun đắp bát hương cho hình tượng Thánh Trần, mấy ai ngậm ngùi cùng bi kịch lớn của đời ông.

Xuôi theo dòng “lịch sử” Đại Việt, người ta thường lấy làm dễ chịu, vì được thỏa mãn tự ti: dân tộc ta tuy nhược tiểu nhưng được cái là cha ông vĩ đại mã thượng anh hùng. Tán dương ông bà tổ tiên là nguồn chủ đạo cho cảm hứng hoài niệm oai phong rần rật trong huyết quản cộng đồng, mà hình tượng Trần Quốc Tuấn là một minh chứng. Trong bài viết này, tôi thử lật ngược lại để đặt ra vài nghi vấn, xem thử “lịch sử” đã ngụy tạo cho nhân vật Trần Hưng Đạo đến mức nào. Và không viết thì thôi, đã viết là viết cho cạn ý mình nghĩ và suốt mắt mình nhìn, tôi sẽ không quanh co vị nể, hi hi!

Tài liệu tôi lấy làm căn cứ phân tích là Đại Việt sử ký toàn thư, vì nó là văn bản gốc, các “sách sử” khác đều là dựa theo Toàn thư mà tát nước theo mưa, thêu dệt thêm hoa lá cành [1] mà thôi.

Tran-hung-dao Operation of US and ARVN navy

I. Thân thế :

Đây là căn nguyên chính của bi kịch. Quốc Tuấn (1228-1300) là con Trần Liễu, Liễu là anh ruột của Trần Cảnh (tức Trần Thái tôn). Trần Thủ Độ lập mưu cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng làm vợ để soán ngôi nhà Lý, năm ấy (1225), Cảnh chỉ mới 8 tuổi. 12 năm sau (1237), Trần Cảnh đã 20 vẫn không con, Thủ Độ lại cho Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên[2] lúc ấy đã có mang 3 tháng, “để làm chỗ dựa về sau” (Toàn thư).

Bị cướp vợ, Trần Liễu nổi giận dấy binh làm loạn, khiến nhà vua phải lo sợ kéo theo cung phi lên Yên Tử. Cuộc tạo phản thất bại, những người hùa theo đều bị giết, riêng Trần Liễu được vua đích thân đứng ra che chở.

Sử ghi: Trần Liễu ôm mối hờn mất vợ không nguôi, “cho nên tìm người tài giỏi khắp bốn phương để dạy cho Quốc Tuấn”, đây là một câu vu khoát viết khơi khơi, những “người tài giỏi” có thể đào tạo nên bậc đại anh hùng dường kia há phải vô danh, tại sao không liệt kê ra đặng? Huống chi, sau cuộc nổi loạn của cha, Quốc Tuấn khoảng 10 tuổi đã phải về ở với người cô là Thụy Bà công chúa. Trần Liễu khi ấy lo thân mình chưa xong, có thể lo đến việc dạy dỗ con sao? Và ai cả gan phò Liễu để dạy Tuấn nữa, khi trước đó đã có tấm gương bọn theo Liễu đều bị tru lục?

Có lẽ do ỷ mình là con bậc thân vương, có mẹ nuôi là công chúa; lại thêm tấm gương tiền nhân trước kia từng hiếp dâm được ngầm khích lệ[3], nên Quốc Tuấn buông tuồng tự tác, tư thông với công chúa Thiên Thành, ngang nhiên cướp vợ người.

Đó là việc xảy ra khi Quốc Tuấn đã ngoài 20. Nguyên vua có cô em ruột là Thiên Thành, cho ở trong dinh của Nhân Đạo vương. Rằm tháng Giêng Tân Hợi [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 (1251), vua mở hội lớn bảy ngày đêm, định làm lễ cưới cho Thiên Thành với Trung Thành vương (con của Nhân Đạo vương – Toàn thư không ghi rõ họ tên hai cha con vị vương này). Quốc Tuấn bèn lẻn vào dinh chú rể, chui vô buồng cô dâu để động phòng. Đã đành đây là việc trai gái thuận tình, nhưng nếu thật lòng yêu, sao trước đó Quốc Tuấn không hỏi xin nàng, mà phải đợi trước ngày cưới mới bày trò trên bộc trong dâu, đến nỗi phải tốn của nhà vua 2.000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để bồi thường cho họ đàng trai?

Và Thiên Thành kia là ai? – Ông nội Quốc Tuấn là Trần Thừa có mấy người con là Thụy Bà (người nuôi Quốc Tuấn), Trần Liễu (thân sinh Quốc Tuấn), Trần Cảnh (Thái tôn), Trần Nhật Hiệu, Trần Bà Liệt, và Thiên Thành. Công chúa Thiên Thành đó chính là cô ruột của Hưng Đạo vương vậy. Về cuộc hôn nhân nội huyết này, sau này nhiều kẻ bao biện, bảo đó là lệ nhà Trần, nên Quốc Tuấn bị ép vào cuộc hôn nhân lạ lùng. Một vị nhân thần sự nghiệp lẫy lừng mà lại chịu “bị ép”, và ép phải lẻn vào nhà chú rể, leo lên giường cô ruột?

Mối hiềm khích giữa chi thứ của Quốc Tuấn với chi đích của vua Trần, dù ông đã được Thái tôn nhân nhượng cưới vợ cho, vẫn khó thể nguôi ngoai, và sẽ trở lại ám vào suốt cuộc đời Hưng Đạo vương.

II. Vai trò :

Năm 1257, một cánh quân lẻ của Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai) chỉ huy xâm nhập nước ta để tìm đường đánh thọc lên Quảng Tây của nhà Tống. Sự kiện này được sử Việt gọi là “Kháng Nguyên lần thứ I”[4].

Trong cuộc chiến đầu tiên với Mông Cổ này, không hề thấy Quốc Tuấn ló dạng, nhưng với ý định gò ép cho trọn vẹn chiến công để tuyên dương, người đời sau thường khiên cưỡng nói lấy được, gọi ông là “anh hùng của ba cuộc kháng chiến”[5]. Trong khi Toàn thư chỉ ghi: “Đinh Tỵ, [Nguyên Phong] năm thứ 7 [1257] (…) Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”, xong là mất hút, không thấy ông xuất hiện nữa.

Rõ ràng trong đợt này, Quốc Tuấn chẳng hề đóng vai trò gì, Lê Tần mới là nhân vật chính với công hộ giá. Vậy mà Trần Trọng Kim vẫn cãi cố, ráng tưởng tượng thêm rằng khi đó Quốc Tuấn từng ra cản giặc và rút về cố thủ ở Sơn Tây[6]!

Thái tôn Trần Cảnh lúc bấy giờ không thể không nghi ngại ông cháu gọi mình bằng chú này, rất có thể y sẽ thừa cơ có giặc mà trở mặt làm phản. Nguyên do khiến vua nghi ngại là mới năm ngoái đây, em của Tuấn là Trần Doãn đã mưu đào thoát sang Tàu, Toàn thư ghi: “Bính Thìn, [Nguyên Phong] năm thứ 6 [1256] (…) Mùa thu, tháng 7, Vũ Thành vương Doãn đem cả nhà trốn sang nước Tống. Thổ quan Tư Minh là Hoàng Bính bắt lại đưa trả cho ta (Doãn là con Yên Sinh vương do Hiển Từ sinh. Yên Sinh có hiềm khích với vua, đến khi Hiển Từ mất, [Doãn] bị thất thế, nên trốn sang nước Tống). Vua thưởng vàng lụa cho Bính. Do đấy việc giữ phòng quan ải càng thêm nghiêm ngặt”[7]. Ông em vừa bị bắt về tội… vượt biên, thì ông anh bị cách ly điều tra là điều dễ hiểu.

Sau trận đụng độ làm tan tác cả kinh thành, Trần đã biết đá biết vàng, quay đầu thần phục nhà Nguyên, chịu xưng thần, dâng cống phẩm, và để Nguyên đặt một viên chức Toàn quyền xem việc cai trị trên đất nước “nhỏ bằng bàn tay” của mình (lời Trần Anh tôn sau này – Toàn thư, Bản kỷ). Suốt hơn phần tư thế kỷ, Trần chật vật tù túng dưới ách Nguyên triều, cuối cùng đã buộc lòng quyết để kháng.

Suốt thời gian này, trải mấy đời vua, Quốc Tuấn dần được “cất nhắc”, có lần Thánh tôn định phong cho ông chức Tư đồ, nhưng ông từ chối. Toàn thư:

“Trước kia, Thánh tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái tông gọi Hưng Đạo vương Quốc Tuấn tới bảo: Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Quốc Tuấn trả lời: Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn (Bản kỷ – Anh tôn).

Tư đồ thuở đó là chức quan trông coi việc giáo dục cho hoàng tử cùng con cái của các thân vương, cũng kiêm luôn việc ngoại giao tiếp sứ, và chức này thường được trao cho người làu thông kinh sử, Quốc Tuấn mà dám nhận mới là chuyện lạ lùng. Chẳng qua đó là khi anh em dòng vua đi vắng, họ e ở nhà có loạn từ trong nên mới ướm thử Tuấn mà thôi!

Hãy xem Quốc Tuấn “ngoại giao” thế nào: “Tân Tỵ, [Thiệu Bảo] năm thứ 3 [1281] (…) [Nhân tôn] Sai chú họ là Trần Di Ái (tức Trần Ải) và Lê Mục, Lê Tuân sang Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học sĩ, Tuân làm Thượng thư, lại sai Sài Xuân [có sách gọi Sài Thung] đem 1.000 quân hộ tống về nước. Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Xuân ra cửa tiễn ông” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Nhân tôn). Thì ra chỉ là giả làm nhà sư để được sứ giặc tiếp kiến, chừng sứ Sài Xuân/ Thung phát giác sư giả thì Tuấn phải ôm đầu máu. Sài Thung vốn là Lễ bộ thượng thư của Nguyên triều, trong mắt y thì Quốc Tuấn lúc bấy giờ chẳng là gì, tuy nhiên việc cho người dùng vật nhọn chọc vào đầu Tuấn là có thể có, mà cũng có thể… không, chứ còn việc Quốc Tuấn ngồi yên chịu đòn mà vẫn trơ trơ rõ là chuyện bịa, mang hơi hướm tiểu thuyết Tàu. Và tuy Toàn thư không chép cụ thể, qua đó cũng có thể đoán ra cuộc tiếp sứ chẳng đạt được thành quả gì.

Ấy vậy mà cuối năm 1284, khi Thái tử Thoát Hoan dẫn quân sang đánh thì Nhân tôn lại phong cho Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội, chứ không giao chức ấy cho anh em ruột thân tín của mình, ấy là lẽ gì? Câu trả lời chính là: để ông phải giơ đầu chịu báng. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyên sử không ghi thẳng tên Quốc Tuấn, mà chỉ ghi là “Hưng Đạo vương”, họ chép mấy đời vua Trần đều gọi bằng tên cộc lốc: Thái tôn là Quang Bính 光昺, Thánh tôn là Nhật Huyên 日烜, Nhân tôn là Nhật Tốn 日燇, Anh tôn là Nhật Sủy 日㷃, v.v…, mà lại kiêng tên kỵ húy ông tướng kia sao? Đây chính là nhà Trần muốn trút trách nhiệm chống cự thiên triều lên đầu ông, nên mới có sự ngược ngạo lạ đời đó.

Chức danh Tiết chế chỉ là hư danh, quyền chỉ huy tối cao vẫn trong tay Nhân tôn, Thượng hoàng và Quan gia cũng chỉ bàn việc binh với các anh em chú bác ruột Quang Khải, Nhật Duật… Cho nên mới có chuyện ông Tiết chế xin phép ông Thượng tướng thái sư (Quang Khải) chặn đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An. Vậy mà Thượng hoàng Thánh tôn vẫn còn nghi kỵ, vờ hỏi “Thế giặc [mạnh] như vậy, ta phải hàng thôi?” để dò tâm ý Quốc Tuấn.

Mối hiềm cũ giữa hai dòng anh em không chỉ gói gọn trong hoàng tộc, mà còn lan truyền ra ngoài. Khi hai vua chạy bán xới bỏ lại kinh thành cả ấn tín lẫn công chúa (An Tư), phải lênh đênh ra đến Quảng Ninh, Quốc công Tiết chế đến hộ giá: “Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu giạt, mà Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của Yên Sinh vương, nên có nhiều người nghi ngại. Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không mà đi, còn nhiều việc đại loại như thế” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Nhân tôn).

Trách nhiệm của Quốc Tuấn chỉ là giơ đầu chịu báng gánh lấy trọng tội chống lại thiên triều. Nỗi ám ảnh ấy còn đeo đẳng ông mãi đến khi sắp mất: “Khi sắp mất, ông dặn con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải [làm sao cho mau phục. Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại như thế đấy” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Anh tôn).

Lúc Quốc Tuấn mới cầm quân, có dân hai hương Ba Điểm và Bàng Hà hưởng ứng vâng lời tụ nghĩa theo về hăng hái lập công, sau vì túng thế họ phải ra hàng giặc. Chừng luận công định tội, cả hai hương đều bị xử lưu đày, trai trẻ thì làm lính hầu, gái bị bán làm nô tỳ. Ông tướng thống lĩnh quân đội nhân dân lại không bảo vệ được cho những người lính đầu tiên về dưới cờ mình; xem ra, những ai dính dáng đến cha con ông này đều xúi quẩy, khó bảo toàn tính mạng. Vậy nên chừng ông mang việc cướp ngôi và trả thù cha ra hỏi, bọn Yết Kiêu, Dã Tượng đều chối đây đẩy bàn ra[8].

Một đời Quốc Tuấn quả là bi kịch, luôn thấp thỏm lo lắng vì bị nghi kỵ, là kẻ “phản tặc tiềm năng” của Trần triều, nên chỉ có tước phong mà không được nhận chức quan nào. Giặc đến thì ra đứng mũi chịu sào chịu tiếng cầm đầu, lúc giặc tan ngoe nguẩy đít không, trở về ấp phong Vạn Kiếp. Sắp xuống lỗ thì lo bị đào mả phơi xương, chừng hiển thánh thì lại bị tên dâm thần Phạm Nhan dây máu ăn phần, khiến bậc Đại vương lại ra chuyên trị sản huyết cho đàn bà[9], thương ôi oan nghiệt!

III. Tác phẩm :

Theo các nhà sử học, tác phẩm của Trần Quốc Tuấn có:

– Dụ chư tỳ tướng hịch văn.
– Binh gia diệu lý yếu lược.
– Vạn Kiếp tông bí truyền thư.

Dụ chư tỳ tướng hịch văn :

Bài hịch này nguyên văn chữ Hán, có đưa vào sách giáo khoa môn ngữ văn, với tên thường gọi là Hịch tướng sĩ. Bản dịch đầu tiên là của Trần Trọng Kim[10]. Đây là lời Trần Quốc tuấn quở mắng bọn tỳ tướng trong đội thân binh của riêng mình. Và khi đổi tên nó ra “Hịch tướng sĩ”, người ta đã cố tình khoác cho nó tầm vóc rộng lớn hơn phạm vi ý nghĩa nó vốn có. Hưng Đạo vương chỉ có thực quyền trên cánh thân binh của mình; ngoài ra, với các cánh quân của các vương hầu khác, ông đều vâng lệnh Bí thư Quân ủy Trung ương Trần Nhân tôn điều động, nên không thể có việc ông ban “huấn thị” cho tướng sĩ cả nước.

Đọc thì thấy ông kể lể ơn đức với những kẻ làm công ăn lương cho mình: Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa… (bản dịch Ngô Tất Tố).

Bài văn này lổn nhổn những điển tích, và dẫn chứng toàn lấy trong sử Tàu, nghi vấn đây là của một tay thầy Tàu nào đó thì phải lẽ hơn (thuở đó có không ít vong thần nhà Tống chạy sang An Nam đô hộ phủ); thật khó tin ông hoàng lêu lỗng Quốc Tuấn có thể viết nên nó. Nhất là không ai cổ vũ tỳ tướng đánh quân Nguyên mà lại lấy… tướng Mông làm gương cả (Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt – Ngô Tất Tố dịch), đọc câu này, người ta có thể ngờ rằng ngay chính Quốc Tuấn còn chẳng hề ghé mắt xem qua để thẩm tra bài hịch là đàng khác!

Binh thư yếu lược :

Đây là một quyển binh pháp, trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn có nhắc: Nay ta chọn binh pháp các nhà, soạn thành một quyển, gọi là Binh thư yếu lược, tức đây là sách sưu tầm tổng hợp từ binh pháp của Tàu, nhưng sử gia Việt Nam với truyền thống nói vống lấy oai, thường bảo đây là sách “trứ tác”, tức do Quốc Tuấn tự nghĩ mà viết ra.

Sách này được cho là đã bị quân Minh cướp lấy mang về Tàu, và “thất truyền”. Sách dạy đánh giặc của vị thần tướng ba lần đại phá quân Nguyên, mà Tàu họ không thèm gìn giữ nghiên cứu, lại đốt bỏ hay sao mà bị thất truyền?

Khoảng năm 1969, có viên tướng phòng không của Tưởng Giới Thạch, là Mã Nguyên Lương chạy sang Việt Nam Cộng Hòa, để giúp Hộ pháp đạo Cao Đài Phạm Công Tắc ở Tây Ninh dịch kinh sách. Ông tướng Tàu này mang theo một quyển sách trời ơi đất hỡi mà ông ta bảo là“Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo. Bản dịch sách đó (có đính kèm cả “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ) được nhà xuất bản Khai Trí (Sài Gòn) ấn hành.

Xin đặt thẳng câu hỏi luôn vầy: Đại Việt vào thế kỷ XIII có thể đủ trình để viết binh pháp hay không? Quân hồi vô phèng, mỗi vương hầu cầm một cánh quân gồm những trai tráng nông dân trong thái ấp của mình ra trận, và chiến thuật chủ yếu là bỏ chạy khi giặc đến, đánh vét đuôi khi giặc rút, đúng kiểu du kích, trên một địa hình sông nước bùn lầy, thì việc hội quân đã là khó, mong gì thao luyện mà nói chuyện binh pháp trăng sao?

Điểm lại từ xưa, ngoài Binh thư yếu lược (chỉ có cái tên), thì “binh pháp” Đại Việt vỏn vẹn hai quyển: Hổ trướng khu cơ do Đào Duy Từ (1572-1634) soạn; Kỷ sự tân biên của Thận Trai tiên sinh Lương Huy Bích, người đời Lê Mạt soạn vào năm 1869. Và cả hai đều là sưu tầm tuyển chọn rồi chép lại từ những binh pháp của Tàu, như: binh thư Tôn tử của Tôn Vũ, Ngô tử của Ngô Khởi, Lục thao, Tam lượcTư Mã pháp, Uất Liệu tử, Vệ công binh pháp của Lý Tĩnh, Hồ kiềm kinh của Hứa Động,Kinh thể bát loại toàn biên của Trần Nhân Tích, Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang v.v… và phần dị đoan quỷ thần chiếm phần nội dung lớn các sách này.

Nói tóm lại, tới giữa thế kỷ XIX, mà “binh thư” Đại Việt vẫn toàn là chép lại từ sách Tàu, với đủ thứ cầu đảo lâm ly, vậy mà người ta lại cho rằng ở thế kỷ XIII, người mình đã có bộ binh thư trác tuyệt ư? Thiệt là huyễn tưởng mà, he he!

Vạn Kiếp tông bí truyền thư :

Theo Toàn thư thì Quốc Tuấn sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Cuốn này cũng chỉ còn lưu lại có “bài Tựa” của Trần Khánh Dư đề, xin chép ra đây:

Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết (Hi hi, mấy ông tướng Trần thiệt là hài hước, khéo nói giỡn chơi!).

Ngày xưa Cao Dao làm sĩ sư mà không ai dám trái mệnh, đến Vũ vương, Thành vương nhà Chu làm tướng cho Văn vương, Vũ vương, ngầm lo sửa đức, để lật đổ nhà Thương mà dấy nên vương nghiệp, thế là người giỏi cầm quân thì không cần phải bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và múa lông trĩ mà họ Hữu Miêu đến chầu, Tôn Vũ nước Ngô đem người đẹp trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc uy hiếp nước Tấn, nước Tần, nổi tiếng chư hầu, thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập nước Tấn theo bát trận đồ, đánh vận động hàng ngàn dặm, phá được Thụ Cơ Năng để thu phục Lương Châu, thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.

Cho nên trận nghĩa là “trần”, là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, Hoàng Đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế. Gia Cát [Lượng] xếp đá sông làm bát trận đồ, Vệ công sửa lại làm thành Lục hoa trận. Hoàn Ôn lập ra Xà thế trận có vẽ các thế trận hay, trình bày thứ tự, rõ ràng, trở thành khuôn phép. Nhưng người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm, chưa từng biến đổi. Như Lý Thuyên có soạn những điều suy diễn của mình, những người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa. Cho nên Quốc công ta mới hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực (Sách viết rườm rà chi, rồi dặn người đọc tự ý lược bớt?)

[Sách] gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần ác tướng, tam cát ngũ hung đều rất rõ ràng, ngang với Tam Đại, trăm đánh trăm thắng. Cho nên, đương thời có thể phía bắc trấn ngự Hung Nô, phía nam uy hiếp Lâm Ấp. Rồi dùng sách này dạy bảo [con cháu] làm gia truyền, không tiết lộ ra ngoài. Lại có lời dặn rằng: Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp [thế trận]; không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời. Nếu không thế thì mình chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Anh tôn).

Vậy là đủ hiểu, ba mớ binh thư bí truyền này nếu thực có, thì hổ lốn linh tinh tý tèo đến độ nào, thiện tai thiện tai!

❀ ❀ ❀ ❀ ❀

Chú thích :

[1] Đơn cử Nam hải dị nhơn của Phan Kế Bính chép về Trần Hưng Đạo:

Khi trước An sinh vương phu nhân, nằm mơ thấy một ông thần tinh vàng tướng ngọc tự xưng là Thanh Tiên đồng tử phụng mệnh Ngọc hoàng xuống xin đầu thai, nhân thế có mang. Đến lúc sinh ra vương, có hào quang sáng rực cả nhà và có mùi hương thơm ngào ngạt.

Vương khôi ngô kỳ vĩ, thông minh sớm lắm, lên 5, 6 tuổi đã biết làm thơ ngũ ngôn, và hay bày chơi đồ bát trận. Khi gần lớn, học rộng các sách, thông hết lục thao tam lược, có tài kiêm cả văn võ.

Đây là lối viết sử bắt chước tiểu thuyết diễn nghĩa của Tàu, nghĩa là rất tào lao và vô bổ, nếu không nói là có tác hại.

[2] Cuộc hôn nhân dây cà ra dây muống này lắm lằng nhằng, trở thành gương mẫu cho các cuộc hôn nhân nội huyết về sau của tôn thất nhà Trần. Nói “lằng nhằng” là bởi không chỉ rắc rối bên đàng trai, mà còn cù cưa cả bên đàng gái.

Nguyên Lý Huệ tôn, ông vua tuyệt tự của triều Lý, có hai cô con gái: chị là Thuận Thiên (1216), và em là Chiêu Hoàng (1218). Lý Chiêu Hoàng mới 6 tuổi thì được vua cha truyền ngôi cho. Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ nhân đó mưu soán ngôi nhà Lý, bèn ép Chiêu Hoàng phải lấy Trần Cảnh; và vẫn chưa yên tâm, vì còn cô chị Thuận Thiên, Thủ Độ mới gả luôn cho Trần Liễu. Hai anh em họ Trần cưới hai chị em họ Lý, vậy là dứt hậu hoạn, không còn ai chen vô. Đến chừng Trần Cảnh rước bà bầu Thuận Thiên về, thì đó vừa là chị dâu vừa là chị vợ, chừng sinh con ra, trong nhà xưng hô lung tung kêu cha gọi chú lùng tùng xèng, thấy vui!

[3] Bính Thân, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 5 [1236]… Bấy giờ Hiển Hoàng[Trần] Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thân hặc tấu, vì thế mới đổi tên cung Thưởng Xuân, giáng Hiển làm Hoài vương.

Vào chầu nhân tiện cưỡng dâm, mà vẫn được tước vương, hai chữ “Thưởng Xuân” cải tên rõ ràng là có ý lấy việc cưỡng dâm kia làm thích thú. Việc này xảy ra một năm trước khi Trần Liễu bị đoạt vợ, nên ai đó bảo hành vi kia của Trần Liễu là để trả thù việc bị cướp vợ là không đúng. Trần Liễu hiếp dâm là làm theo bản năng, không phải hành vi có chuẩn bị với ý đồ trả miếng.

[4] Lúc đó Mông Cổ chưa diệt Nam Tống để thành lập nhà Nguyên, nên phải gọi trận này là “Kháng Mông” mới đúng.

[5] Trang Wikipedia tiếng Việt nhận định về Trần Quốc Tuấn: Ông là một trong những người chỉ huy chính trong việc đẩy lùi ba lần cuộc xâm lược của quân Mông Cổ và về sau là quân Nguyên-Mông ở thế kỷ 13.

[6] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim, quyển I, phần III, chương 6, tiết 11.

[7] Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản kỷ – Trần Thái tôn.

[8] Toàn thư bênh vực bào chữa bằng cách nói trớ: Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được!” Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải. “Không cho là phải”, mà lại để bụng đến nửa thế kỷ sau còn mang ra để hỏi dọ ý tùy tùng?

[9] Phụ lục Việt điện u linh tập, Lý Tế Xuyên – Lê Hữu Mục dịch: “Vương trị bệnh tà Phạm Nhan rất linh nghiệm”.

[10] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim, 1917.

Lê Vinh Huy

Categories: ❀ VĂN SỬ | Nhãn: , | Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.